Mỗi ngày, hàng nghìn bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên một số người dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SASR-CoV-2 nhưng vẫn còn nhiều biểu hiện khó chịu.
Các triệu chứng thường gặp sau khi khỏi Covid-19
Sau khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, nhiều bệnh nhân vẫn rất hoang mang vì thấy tình trạng bệnh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
Biểu hiện phổ biến nhất là căng thẳng, mất ngủ. Trong thời gian bị bệnh, các F0 thường tiếp nhận rất nhiều thông tin về Covid-19 (ca mắc, ca t.ử v.ong hàng ngày, các triệu chứng nguy hiểm do Covid-19…) khiến họ cảm thấy áp lực. Lo lắng quá nhiều đã làm họ bị căng thẳng, mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu giấc, thay đổi nhịp sinh học hàng ngày.
Bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2.
Triệu chứng hụt hơi cũng rất thường gặp với các bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh. Họ thường cảm thấy thở không được thoải mái, cảm giác không hít vào như bình thường, đặc biệt là với các bệnh nhân Covid-19 trung bình, nặng và nguy kịch.
Ăn uống khó tiêu, đầy hơi, nóng rát vùng ngực, ợ hơi, ợ chua… là các triệu chứng về tiêu hóa thường gặp sau khi khỏi Covid-19. Những triệu chứng này làm cho bệnh nhân chán ăn khiến cơ thể trở nên suy nhược, thiếu dưỡng chất. Hơn nữa, chúng còn góp phần làm tăng thêm tình trạng mất ngủ.
Các biểu hiện khác như mệt mỏi, đau đầu, nhức mỏi người, chóng mặt nhẹ, rối loạn lo âu, hồi hộp, ho dai dẳng… cũng là các triệu chứng thường gặp trong giai đoạn hồi phục của bệnh Covid-19.
Nguyên nhân của các triệu chứng trên là gì?
Các biểu hiện nêu trên thường gọi là “di chứng sau Covid-19″ hay “hội chứng hậu Covid-19″. Sở dĩ trong giai đoạn hồi phục vẫn còn tồn tại các triệu chứng trên là vì khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể người bệnh, chúng làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như phổi, tim, não, thận, thần kinh – cơ, mạch m.áu… Hệ cơ quan bị tổn thương nhiều nhất là hệ hô hấp.
Đối với các F0 có triệu chứng trung bình trở lên thường tổn thương phổi gây giảm khả năng trao đổi oxy khiến bệnh nhân có biểu hiện khó thở, mệt nhiều. Sau khi đã qua được giai đoạn diễn tiến của bệnh, phổi vẫn còn tổn thương. Đồng thời, cơ hô hấp cũng yếu hơn so với bình thường làm cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi. Các hệ cơ quan khác cũng bị tổn thương nên F0 khỏi bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng hồi hộp, nhức mỏi người, ho dai dẳng…
Ảnh hưởng lên não bộ kèm theo tâm lý hoang mang lo lắng trong quá trình mắc bệnh khiến cho hệ thống thần kinh bị căng thẳng, bệnh nhân thường cảm thấy đau đầu, chóng mặt.
Tâm lý của người bệnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện các triệu chứng sau khi khỏi Covid-19. Vì quá lo lắng nên họ mất ăn, mất ngủ, không ngủ đủ giấc và ăn uống kém. Ăn không đúng giờ giấc làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, bệnh nhân dễ mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, chứng khó tiêu, chán ăn.
Nhiều bệnh nhân khi được điều trị ở khu cách ly tập trung hoặc tại bệnh viện gặp các vấn đề như chế độ ăn uống không hợp khẩu vị, lạ chỗ, đông người… Thời gian cách ly kéo dài làm họ thay đổi thói quen, ảnh hưởng đến nhịp sinh học, giấc ngủ của người bệnh. Cùng với việc tâm lý căng thẳng, lo lắng, bệnh nhân thường bị mất ngủ và làm nặng thêm tình trạng bệnh tiêu hóa sau khi khỏi SARS-CoV-2.
Cách để khắc phục “hội chứng sau Covid-19″
Các triệu chứng trên có thể tồn tại vài tuần, thậm chí có thể vài tháng sau khi khỏi Covid-19. Bệnh nhân bị khó thở nhẹ, hụt hơi phải tăng cường tập thở để các cơ hô hấp nhanh hồi phục cũng như tăng nhu cầu trao đổi oxy trong phổi.
Tuy nhiên không phải tất cả đều do tác động của virus, còn nhiều yếu tố như tâm tâm lý, môi trường tác động. Do đó, giữ tâm lý ổn định là việc rất quan trọng trong việc giảm các triệu chứng như mất ngủ, lo âu, đau đầu, hồi hộp. F0 khỏi bệnh có thể nghe nhạc nhẹ, ngồi thiền, tập yoga, tập thể dục… sẽ làm cho tinh thần thoải mái, giảm lo âu và dễ đi vào giấc ngủ.
Đối với biểu hiện về tiêu hóa như trào ngược dạ dày – thực quản, nóng rát ngực, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, ngoài việc giữ tâm lý ổn định, duy trì giấc ngủ sinh lý, bệnh nhân còn phải chú trọng thêm về chế độ ăn. Đó là không ăn chua, cay, không sử dụng các chất kích thích, không ăn các đồ ăn khó tiêu, không ăn quá no, không nên nằm sau khi ăn. Bạn cũng nên hạn chế ăn trong vòng 2 tiếng trước khi ngủ và kê đầu cao khi nằm để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Việc bổ sung dinh dưỡng trong giai đoạn phục hồi rất quan trọng, góp phần giảm thiểu “hội chứng hậu Covid-19″ bởi nó làm tăng sức đề kháng, phục hồi thể trạng suy nhược sau khi mắc Covid-19.
Tuy nhiên, khi các triệu chứng trong giai đoạn hồi phục làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cảm thấy khó chịu, nặng nề, người dân nên đi khám để giải quyết tình trạng bệnh.
Gia tăng rối loạn tâm thần vì nắng nóng
Từ tháng 3 đến nay, số người tới khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM gia tăng liên tục. “Thủ phạm” được chỉ ra là do thời tiết oi bức, nắng mưa thất thường khiến nhiều người thấy bứt rứt, khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Trầm cảm, stress vì nắng nóng
Tại khoa Khám bệnh 1 Bệnh viện Tâm thần TPHCM (số 766 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5) trưa 9-5 có hàng trăm người đến khám và điều trị bệnh. Gương mặt ai cũng lộ rõ sự mệt mỏi, âu lo.
Bà Đ.T.N. (62 t.uổi, ngụ phường Tân Thuận Tây, quận 7) ngồi đợi kết quả sau khi khám bệnh, nhăn nhó: “Nóng khủng khiếp, ngồi có quạt nhưng không gian nhỏ hẹp, đã mệt còn mệt thêm”. Gần tuần qua, bà N. mất ngủ triền miên nên quyết định tới bệnh viện khám bệnh.
Chị Ng.T.T.N. (35 t.uổi, ngụ phường 15, quận 8) do áp lực công việc kinh doanh khiến chị nhiều khi bị stress. Thời tiết nắng nóng, trong khi công việc đòi hỏi phải đi lại nhiều, chị thường xuyên thấy người mệt mỏi, đau đầu, cáu giận vô cớ. Đêm đến, chị N. không ngủ được trọn vẹn, có hôm bị tỉnh giấc giữa chừng, dù nằm phòng máy lạnh.
Còn ông L.T.V. (57 t.uổi, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) bị tâm thần phân liệt đã điều trị ổn định gần 2 năm qua, nay bỗng dưng phát bệnh trở lại. Theo người nhà ông V., từ đầu tháng 4 ông V. ăn uống ít hơn, bứt rứt trong người, nói lảm nhảm và bảo hay nghe thấy tiếng nói trong đầu.
BS-CKI Chu Thị Dung, Phó khoa Khám bệnh 1 Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết, Khoa Khám bệnh 1 hiện có 10 phòng khám. Những ngày nắng nóng, số lượt người tới khám chữa bệnh dao động từ 700-800 lượt/10 phòng. Qua số liệu thăm khám cho thấy, có 50% là người thành phố, còn lại thuộc các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Nam bộ.
Những người tới thăm khám, ghi nhận mắc các thể bệnh rối nhiễu tâm trí như: F20-F.29 (nhóm bệnh tâm thần phân liệt và các bệnh loạn thần khác); nhóm F40-F48 (các loại rối loạn lo âu); F31, F32 (rối loạn hưng trầm cảm, rối loạn trầm cảm) và nhóm F43.2 (rối thích ứng liên quan tới stress).
Đại diện Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần TPHCM (TP Thủ Đức) và Trung tâm Tân Định (quận 1) cũng cho biết, trong 2 tháng qua, mỗi đơn vị tiếp nhận gần 100 bệnh nhân tâm thần mới đến điều trị.
Người dân tới khám sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM
Cần được phát hiện sớm
Theo BS-CKII Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TPHCM, nếu 2 tháng đầu năm 2021 chỉ có khoảng 1.000 lượt người tới khám/ngày tại 3 cơ sở của bệnh viện, thì con số tăng này tăng trên 2.000 lượt/ngày vào tháng 3 và 4. Ngày cao điểm lên tới 2.800 lượt, riêng cơ sở chính tại quận 5 tiếp nhận gần 1.500 lượt người tới khám chữa bệnh, đa số từ 15-60 t.uổi. Đáng lo ngại, nhóm F40-F48 ghi nhận có trên 10.400 ca bệnh và nhóm F31, F32 gần 1.000 ca bệnh (tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020).
Số ca tới thăm khám và nhập viện điều trị bệnh tâm thần tăng nhiều hơn trong những ngày gần đây do nhiều nguyên nhân; trong đó thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài cũng là yếu tố ảnh hưởng tâm thần, sức khỏe của người dân, nhất là những người làm việc căng thẳng, người già có bệnh nền, phụ nữ sau sinh…
Bên cạnh đó, rất ít người đi khám tâm thần do hầu hết cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, căng thẳng, chứ không phải mắc bệnh liên quan tới tâm thần, hoặc cho rằng mắc bệnh liên quan tới tâm thần song không quá quan trọng, không đáng quan tâm.
“Nhiều người lo ngại nếu mình bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội xung quanh. Vì vậy, họ chọn cách giấu bệnh, không đi khám, chữa đúng chuyên khoa tâm thần. Đến lúc bệnh nặng, việc điều trị phải kéo dài, tốn kém cho bản thân và gia đình”, BS Tâm nêu thực trạng.
Phân tích thêm, BS Trần Duy Tâm lưu ý, thời tiết nắng nóng, cơ thể như một máy điều hòa sẽ phải điều tiết để giải nhiệt cho cơ thể, khi đó cơ thể yếu đi, người mắc bệnh tâm thần dễ tái phát hơn. Do đó, người thân của người bệnh cần thường xuyên quan tâm, để mắt tới người bệnh. Quan trọng nhất là nhận biết triệu chứng tái phát bệnh có thể gây ra hành động nguy hiểm.
Bên cạnh đó, người bệnh rối loạn lo âu có thể bỏ chạy ra đường hoặc có những hành vi không kiểm soát được; người bệnh trầm cảm sẽ rối loạn giấc ngủ, mất khả năng lao động; người bệnh tâm thần phân liệt có thể đ.ánh n.gười, có hành vi nguy hiểm cho người khác… Người nhà tuyệt đối không để các vật dụng có tính sát thương, vật dễ cháy trong tầm quan sát của người bệnh vì khi tái phát dễ dẫn đến những hiểm họa khó lường. Cần để người bệnh ở nơi thoáng mát, cho người bệnh uống trên 2 lít nước/ngày.
Các chuyên gia tâm thần khuyến cáo, mọi người nên tránh đi ra ngoài trời vào lúc nắng gắt, không làm việc quá sức. Người lao động phải làm việc ngoài trời nên đội mũ rộng vành, phụ nữ mặc thêm áo chống nắng, làm việc trong thời gian ngắn rồi vào bóng râm nghỉ ngơi vài phút, sau đó lại làm việc tiếp. Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khỏe, uống nhiều nước. Tránh lạm dụng rượu bia, gây tác động xấu đến hệ thần kinh và sức khỏe. Phụ nữ sau sinh, người có sang chấn tâm lý càng phải chú ý sức khỏe; nhất là khi gặp các triệu chứng mất ngủ, căng thẳng kéo dài nên đến cơ sở chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Hơn 10% dân số bị rối nhiễu tâm trí
Theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB-XH, tính đến hết tháng 9-2020, người bị rối nhiễu tâm trí ước tính chiếm hơn 10,5% số dân cả nước (tương đương 10,3 triệu người). Riêng số người mắc bệnh tâm thần nặng khoảng 250.000 người. Có khoảng 90% số người tâm thần thuộc nhóm đối tượng có hành vi nguy hiểm với gia đình, cộng đồng và những người tâm thần lang thang ngoài xã hội được đưa vào các trung tâm điều trị bệnh tâm thần.
Riêng TPHCM có khoảng 17.000 người tâm thần, trong đó có khoảng 2.500 người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội và khoảng 50% người tâm thần sống ở cộng đồng được các trung tâm y tế cấp quận, huyện khám và cấp phát thuốc điều trị.